Bạn sẽ chật vật xoay xở tiền bạc, lâm vào tình trạng khánh kiệt nếu gặp các tình huống không mong muốn như thất nghiệp, tai nạn hay bệnh tật…

Theo một chuyên gia tài chính ở New York, phần lớn mọi người không tiết kiệm đủ để trang trải trong những trường hợp khẩn cấp. Một trong những lý do chính là chi tiêu vượt quá khả năng bản thân. Thêm vào đó, thẻ tín dụng khiến bạn “đốt tiền” dễ dàng hơn. Chúng ta thường mua sắm trước khi tiết kiệm và sau đó không bao giờ tổng kết lại những gì mình đã hoang phí.

Nếu không dự phòng tài chính, cuộc sống của bạn có thể lao đao nếu gặp những tình huống không mong muốn dưới đây.

neu-khong-biet-tiet-kiem

Không thể nuôi sống bản thân nếu thất nghiệp

Nhiều người bằng lòng với mức thu nhập và cuộc sống hiện tại, tiếp tục làm việc kiếm tiền đến cuối đời mà không nghĩ đến một ngày bỗng dưng thất nghiệp. Theo khảo sát lý do nghỉ hưu sớm năm 2017 tại Mỹ đăng trên Motley Fool, có 48% người phải nghỉ việc sớm hơn kế hoạch. Trong đó, 41% gặp vấn đề về sức khoẻ, 26% do doanh nghiệp thua lỗ hoặc phá sản, 14% phải nghỉ việc để chăm sóc vợ chồng hoặc người thân.

Thất nghiệp trong thời gian dài có thể khiến bạn đốt hết khoản tiết kiệm ít ỏi, thiếu tiền trang trải sinh hoạt thường ngày. Bạn buộc phải sống dựa vào người thân, tìm kiếm và chấp nhận công việc không như ý, cuộc sống sẽ căng thẳng cho đến khi tìm được nguồn thu nhập mới.

 

Khó xoay xở tiền bạc lúc ốm đau

Công ty JPMorgan Asset Management (Mỹ) từng đưa ra một bản báo cáo dài 72 trang, khuyên những người ở độ tuổi 20 nên để dành 15% tổng thu nhập cho những trường hợp có thể bất ngờ ập đến trong cuộc sống.

Phần lớn người trẻ nghĩ mình có sức khỏe mà không dự phòng tiền bạc lúc ốm đau. Chi phí khám chữa bệnh chiếm phần không nhỏ trong ngân sách tiết kiệm của bạn, nhất là khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư.

Một khảo sát trên 2.000 bệnh nhân tại 3 bệnh viện điều trị ung thư lớn nhất Việt Nam cho thấy, có 22% bệnh nhân gặp khó khăn về kinh tế sau một năm phát hiện khối u. Trong đó, gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể trả tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và có tới 15,2% không mua nổi đồ ăn.

Để giải quyết vấn đề trên, gần 67% bệnh nhân phải vay tiền, 22% phải bán tài sản… Trên thực tế, gánh nặng tài chính này hoàn toàn có thể san sẻ phần lớn với bên bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe. Mỗi năm, bạn có thể để dành một khoản tiền hợp lý để mua loại bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình.

Không lo nổi cho con cái đến lúc trưởng thành

Thu nhập hiện tại của bạn có thể đủ mua sữa, bỉm cho đứa con đầu lòng mới chào đời; đưa cả nhà đi xem phim; ăn hàng mỗi cuối tuần hoặc du lịch hàng năm… Tuy nhiên, khi gia đình bạn có bé thứ 2, chi phí sẽ nhân lên gấp bội.

Chi phí mua thực phẩm, quần áo, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… cho con cái đến khi chúng trưởng thành có thể sẽ nằm ngoài khả năng nếu như bạn không có kế hoạch dự phòng tài chính. Đó là chưa kể những lúc bạn – người trụ cột của gia đình không may ốm đau, bệnh tật hay gặp tai nạn bất ngờ, tương lai con cái sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bạn luôn muốn gia đình mình được dùng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, xây một ngôi nhà rộng hơn, mua chiếc xe hơi tiện nghi cho cả gia đình, muốn con cái được học tập tại ngôi trường danh tiếng, chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế uy tín… Tuy nhiên, nếu không sớm tiết kiệm từ những năm tuổi trẻ, bạn khó lòng chăm lo tốt cho gia đình và đạt được cuộc sống viên mãn ở tuổi 50.