Bạn có bao giờ thốt lên những câu sau chưa?
- Chán như con gián
- Chán đi làm quá, công việc chả thú vị gì, đồng nghiệp thì nhỏ nhen, sếp thì hắc ám
- Chồng/vợ con gì mà chán thế không biết. Ra ngoài đường nhìn chồng/vợ con người ta thấy ham, về nhà nhìn chồng/vợ con mình thấy phát ói.
- Chán cuộc sống tầm thường. Ngày nào cũng giống như ngày nào.
Có rất nhiều kiểu than chán, trầm bổng khác nhau, nhanh chậm khác nhau, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng tựu trung ta có thể hợp tất cả các dạng than chán lại thành một dàn hợp xướng để tấu lên bản xô nát với âm giai trưởng là: chán đời! (Ví dụ có thể không hợp lý do một bản sonata được soạn chỉ có từ 1-2 nhạc cụ)
Dạo quanh Facebook, Yahoo, Blog dễ nhận thấy những người than chán đời nhiều nhất là các bạn trẻ. Thú thật khi nghe các bạn than chán tôi chỉ muốn biến thành “hiệp sĩ của hành” và lấy củ hành đập cho bạn một trận (để người ngoài nhìn vào không biết lý do thực sự bạn khóc là gì).
Ai cũng từng trải qua giai đoạn sống vô tư vô lo và dễ chán như vậy. Không sao, giai đoạn này sẽ qua mau thôi. Khi đến lúc bạn phải tập đứng vững kiếm sống và hưởng thụ cuộc sống trên chính sức của mình. Khi đến lúc bạn bị đời smackdown vài cú đau đớn nghẹn cả họng. Khi đến lúc một người thân yêu không còn trong cuộc sống của bạn nữa. Lúc đó bạn sẽ thấy rằng sự chán đời của mình trước đây thật nhỏ bé và nhảm nhí so với những nỗi đau mất mát to lớn khác.
Sự thức tỉnh đó không dễ. Học phí phải trả tương đối đắt. Và đến khi thức tỉnh có khi đã là quá muộn. Bài viết này muốn giúp bạn từ bỏ cảm giác chán đời và bật tung hứng khởi với cuộc sống ngay từ bây giờ. Vĩnh viễn! Bạn sẽ không còn cảm thấy chán đời, chán mối quan hệ, chán công việc một khi hiểu và áp dụng những cách dưới đây.
Chào Mừng Cái Chán!
Định nghĩa từ điển tiếng Việt: “chán là khi bạn ở trạng thái không còn thèm muốn không còn thích thú nữa vì đã quá thoả mãn“. Cái chán thịt mỡ, ngủ chán mắt. Chán còn là khi bạn ở trạng thái không những không thấy thích thú mà còn muốn tránh vì đã phải tiếp xúc kéo dài với cái mình không ưa. Cái chán sự tiêu cực quan liêu. Chán còn là một từ định lượng đạt đến mức độ số lượng mà người nói cho là nhiều. Còn sớm chán là ví dụ.
Chán đơn giản là một trạng thái tinh thần. Nó không định nghĩa cái tôi đích thực của bạn. Bạn cảm thấy chán không đồng nghĩa bạn là một con người đáng chán. Trạng thái tinh thần chán là một điều đáng hoan nghênh! Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó đáng chán, điều đó có nghĩa có điều gì đó trong cuộc sống của bạn cần được thay đổi.
Đây là quy tắc đầu tiên trong kỹ năng giải quyết vấn đề của dân quản lý. Nếu bạn không nhận ra và thừa nhận vấn đề thì làm sao bạn có thể giải quyết vấn đề? Nếu bạn không thừa nhận mình đang chán công việc hiện tại thì làm sao bạn có thể xây dựng một sự nghiệp mình thực sự đam mê? Nếu bạn không nhận ra mình đang chán người yêu thì làm sao bạn có thể vun đắp và nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu giữa cả 2? Nếu bạn không thừa nhận mình phát chán với cái bụng bia còn bự hơn cả ngực thì làm sao bạn có được thân hình bạn hằng khao khát?
Chán – Liều Thuốc Độc Cho Cuộc Sống
Chán, cũng như những trạng thái tinh thần tiêu cực khác, với một liều lượng ít và không thường xuyên sẽ phát huy tác dụng tích cực. Nhưng nếu bạn cảm thấy cái chán đeo đuổi dai dẳng mình từ ngày này sang ngày khác, đến một lúc bạn sẽ cảm thấy mình không còn thiết sống nữa.
Đây là những hậu quả khi bạn cảm thấy chán đời:
- Cơ thể uể oải mất hết năng lượng
- Buồn chán và không hạnh phúc
- Hủy hoại cả sự lạc quan vui vẻ của người khác, mọi người xa lánh bạn
- Giảm hiệu suất, không làm gì ra hồn
- Kết quả công việc giảm sút
- Đánh mất cái tôi đích thực của mình
Bạn không phải là người duy nhất cảm thấy chán. Nhưng liệu bạn sẽ sử dụng cái chán để làm đòn bẩy giúp mình phát triển tốt hơn hay để cái chán đè bẹp cuộc đời bạn dưới sức ì của nó?